Truyền thống văn hóa
Là một xã xưa nay thuần nông, dân chủ yếu sống bằng nông – lâm nghiệp, thu nhập thấp, cơ sở hạ tầng do đời sống khó khăn chi phối nên Xuân Lĩnh – Nghi Xuân – Hà Tĩnh vẫn nằm ở tốp sau so với nhiều xã trong huyện.
Nắm bắt chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM )trước hết phải lo đẩy mạnh đời sống cho nhân dân, tranh thủ thời cơ, thế mạnh của một địa phương nằm trải dọc phía Đông dãy Hồng Lĩnh, phụ cận của thị xã, lại được nhà nước mở đường tránh QL 1A đi qua, Xuân Lĩnh khuyến khích mở rộng đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao nguồn thu từ nhiều hướng.
Chăn nuôi vốn là một lợi thế, mang tính truyền thống của địa phương, với nhiều chủ trương, cơ chế chính sách thông thoáng, Xuân Lĩnh đã vận động được nhiều hộ mở tổ hợp chăn nuôi tập trung, quy mô lớn hơn trước. Hiện nay, cả xã có 1.000 con trâu bò, 410 con lợn, 12.000 gia cầm, thủy cầm. 6 tháng đầu năm 2013 vận động thêm 10 hộ chăn nuôi bò đàn theo mô hình hưởng hỗ trợ lãi suất; 32 mô hình chăn nuôi được hình thành qua 2 năm nay vẫn duy trì và phát triển tốt cả số lượng đầu con lẫn đầu ra sản phẩm.
Toàn xã hiện có 25 lao động bảo vệ rừng và khai thác nhựa thông cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng/ người/ tháng. 8 mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp- thương mại dịch vụ đạt hiệu quả tốt. Trong đó có 252 lao động khai thác vật liệu xây dựng, thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/ người/ tháng. 190 lao động sản xuất mộc, nề, cơ khí, kinh doanh, dịch vụ đạt thu nhập bình quân đầu người từ 3-3,5 triệu đồng/ người/ tháng. 188 người đi XKLĐ nước ngoài (tăng 33 người so với năm trước) thu nhập bình quân khoảng 10-12 triệu đồng / người/ tháng.
Nhờ mở mang ngành nghề, cuộc sống bà con nói chung đổi mới khá nhanh. Hầu như nhà nào cũng ngói hóa, tường xây, đồ dùng sinh hoạt đầy đủ, khang trang. Một số hộ còn lên tầng, mua sắm thiết bị vận tải như xe ô tô, máy móc phương tiện hành nghề đắt tiền, đủ sức cạnh tranh với thương trường thời hiện đại.
Đảng ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong xã đặc biệt quan tâm tới công tác xóa đói giảm nghèo. Tổ chức triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống cho toàn dân, đặc biệt là đối với những hộ nghèo, cận nghèo. Hiện nay, bà con đã vay vốn từ các ngân hàng là 16,9 tỷ đồng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn xấp xỉ 7%, là một sự cố gắng rất lớn của một xã nghèo, không được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu.
Ngoài việc thực hiện kịp thời, nghiêm túc các chế độ chính sách xã hội, các chủ trương mới về ưu đãi người có công, địa phương còn làm tốt việc thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ kịp thời cho các gia đình chính sách, các hộ gặp rủi ro, khó khăn. Đêm giao lưu văn nghệ: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” tết Nguyên đán 2013 đã để lại ấn tượng sâu sắc, xúc động trong lòng các đối tượng chính sách. 59 triệu đồng quyên góp được trong đêm dạ hội đó, bao gồm cả quà lẫn tiền mặt đã được tặng trực tiếp cho các đối tượng. Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng hỗ trợ ủng hộ 90 triệu đồng xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và người có công với cách mạng của địa phương.
Nhờ cuộc sống nâng cao, đời sống văn hóa- xã hội- y tế… của địa phương được phát triển, tạo dựng được nhiều thành công rất đáng tự hào. 91% gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, 4/5 thôn đăng ký xây dựng thôn văn hóa. Đội bóng chuyền và đội kéo co của xã đạt kết quả cao tại giải thể thao thanh niên của huyện Nghi Xuân. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt cao (tiểu học đạt 100%, THCS đạt 97%) 3 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 46 em giỏi cấp huyện. Công tác khám chữa bệnh chăm lo sức khỏe cho nhân dân được quan tâm. Có trên 60% số người tham gia BHXH. Các chương trình y tế cho trẻ em, người lớn, phụ nữ có thai…đạt cao từ 99-100%.
Nhờ đổi mới tư duy làm ăn, biết nắm bắt thời cơ, đa dạng hóa ngành nghề, Xuân Lĩnh đã thật sự đổi thay trên bước đường xây dựng NTM.